Chủ tịch chính phủ Vladimir_Ilyich_Lenin

Thành lập chính phủ mới


Trục trặc khi nghe tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn.

Ngay sau khi cách mạng vừa thắng lợi, ngày 2-11-1917, Chính phủ Xô viết đã tuyên bố bản "Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga". Tuyên bố khẳng định những nguyên tắc căn bản của Chính quyền Xô viết đối với các vấn đề dân tộc là: Bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc; các dân tộc nước Nga được tự quyết một cách tự do, kể cả việc tách ra và thành lập các quốc gia độc lập; Xóa bỏ tất cả các đặc quyền và hạn chế về dân tộc và tôn giáo – dân tộc. Ban chấp hành Xô viết toàn Nga đã ban hành sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị phong kiến, tất cả mọi người chỉ có một danh hiệu chung là những công dân của nước Cộng hòa Xô viết Nga. Chính quyền Xô viết tuyên bố về sự bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, quyết định nhà thờ tách khỏi nhà nước và trường học, mọi đặc quyền của nhà thờ đều bị bãi bỏ[23].

Ngày 8 tháng 11, Lenin được Đại hội Xô viết Nga bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân ủy. Lenin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa điện tới mọi vùng nước Nga và hiện đại hóa công, nông nghiệp. Ông rất quan tâm tới việc tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí và toàn diện cho mọi người dân, giải phóng phụ nữ và dạy cho những người dân mù chữ Nga biết đọc, viết. Nhưng trước hết, chính phủ Bolshevik mới cần đưa nước Nga ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Huy hiệu thành viên đội thiếu niên tiền phong có hình V. I. Lenin.

Đối mặt với mối đe dọa xâm lăng từ nước Đức, Lenin cho rằng Nga cần ngay lập tức ký kết một hiệp ước hòa bình để rút khỏi chiến tranh thế giới thứ I. Nhưng nhiều lãnh tụ Bolshevik khác, như Bukharin, không đồng ý với Lenin mà cho rằng Nga nên tiếp tục tham chiến, coi đó là một biện pháp mang cách mạng tới nước Đức. Lev Davidovich Trotsky, người chỉ đạo các cuộc đàm phán, ủng hộ một lập trường trung gian, "Không Chiến tranh, Không Hòa bình", kêu gọi chỉ ký hiệp ước hòa bình với điều kiện không bồi thường chiến tranh, không nước nào được chiếm đất của nước khác. Nhưng người Đức thì không muốn nhượng bộ vấn đề này. Tháng 2 năm 1918, Trotsky rút khỏi các cuộc hòa đàm, và chiến tranh một lần nữa tiếp diễn. Do quân đội Nga đã kiệt quệ, quân Liên minh Trung tâm (Đức, Áo-Hung) nhanh chóng giành được thế thượng phong, đánh chiếm phần lớn Ukraine và Belarus. Ngày 19/2, thay mặt Chính phủ Xô viết, Lenin gửi điện cho Chính phủ Đức để báo tin nước Nga "sẵn sàng kí hòa ước chính thức theo những điều kiện do Chính phủ Đức đề ra". Nhưng quân Đức tiếp tục tấn công, áp sát 2 thủ đô của Nga là Petrograd và Moscow.

Sau các thất bại quân sự này, lập trường của Lenin được đa số ban lãnh đạo Bolshevik ủng hộ. Ngày 3 tháng 3 năm 1918, Lenin rút Nga ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất khi đồng ý ký kết Hòa ước Brest-Litovsk, theo đó nước Nga mất một phần lớn lãnh thổ tại châu Âu. Sau này khi đánh giá về bản Hòa ước Brest-Litovsk, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc ký hòa ước này là hành động "phản quốc", khiến Nga chấp nhận thất bại và phải cắt một phần lãnh thổ rất lớn cho Đức mặc dù chính Đức mới là nước đang đứng trước nguy cơ thua cuộc vào lúc đó[24]. Đây được xem là thời điểm tệ nhất của lịch sử Nga trong vòng 200 năm, song với một đất nước bị tàn phá thì Lenin không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận những điều khoản bất lợi của hiệp ước này[25]

Không lâu sau khi cách mạng Tháng Mười Nga giành được thắng lợi, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến toàn Nga được tổ chức vào ngày 25 tháng 11 năm 1917. Khoảng 47 triệu cử tri Nga đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất trong lịch sử nước Nga tính đến thời điểm đó. Lenin tin chắc rằng Đảng Bolshevik của ông có thể dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, thế nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại: Đảng Xã hội chủ nghĩa cách mạng mới là đảng nhận được số phiếu bầu cao nhất (40,3% tổng số phiếu), qua đó dành được 324 ghế trong Quốc hội. Đảng Bolshevik xếp ở vị trí thứ hai với 23,29% số phiếu bầu, qua đó chỉ dành được 183 ghế trong Quốc hội[26].

Ngày 5-1-1918, Quốc hội lập hiến khai mạc tại Pêtrôgrát. Với thành phần đa số (324 ghế) là các đại biểu thuộc đảng Xã hội chủ nghĩa Cách mạng, Quốc hội lập hiến tuyên bố không thừa nhận Chính quyền Xô viết cũng như mọi sắc lệnh đã ban hành, và cũng từ chối không thông qua bản “Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột” do Ban chấp hành Xô viết toàn Nga công bố[27].

Sau khi những người Bolshevik thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến Nga, cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều công nhân ở hai thành phố lớn là Petrograd và Moskva, họ đã sử dụng lực lượng Cận vệ đỏ buộc cuộc họp lần thứ nhất của Quốc hội phải ngừng lại ngày 19 tháng 1[28]. Những người Bolshevik đã lập ra một tổ chức thay thế Quốc hội lập hiến, Đại hội Xô viết thứ ba, cho phép họ và các đồng minh có được hơn 90% số ghế (không thông qua bầu cử toàn dân)[29], cho rằng "chuyên chính vô sản" trước tiên là một đạo luật của chính giai cấp vô sản: "Tất nhiên, những người cho rằng có thể lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hay những người tưởng tượng rằng điều đó có thể thuyết phục đa số nhân dân rằng nó có thể xảy ra thông qua trung gian của Quốc hội Lập hiến - những người tin vào câu chuyện ngụ ngôn của tầng lớp tư sản dân chủ, có thể vô tình tin tưởng điều đó, nhưng hãy đừng để họ phàn nàn nếu cuộc sống lật tẩy câu chuyện ngụ ngôn này,"[30] và nói thêm rằng "lý do lớn nhất tại sao 'những người xã hội chủ nghĩa' (như, những người dân chủ tiểu tư sản) của Quốc tế Thứ hai không hiểu được sự chuyên chính vô sản là bởi họ không hiểu được rằng quyền lực nhà nước nằm trong tay một tầng lớp, tầng lớp vô sản, có thể và phải trở thành một phương tiện cho phe chiến thắng của tầng lớp vô sản của đông đảo nhân dân vô sản, một phương tiện để giành chiến thắng của tầng lớp đó trước giai cấp tư sản và những đảng tiểu tư sản."[28].

Những người Bolshevik đã thành lập một chính phủ liên minh với Đảng Xã hội Cách mạng Nga cánh tả. Tuy nhiên, liên minh của họ đã tan vỡ sau khi Đảng Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa phản đối hiệp ước Brest-Litovsk và gia nhập cùng với các đảng khác tìm cách lật đổ chính phủ Xô viết. Tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu, các đảng đối lập (gồm một số phái xã hội chủ nghĩa) tích cực tìm cách lật đổ chính phủ Bolshevik. Lenin phản ứng lại bằng cách ngăn chặn các hoạt động của họ và bắt một số thành viên các đảng đối lập có kế hoạch tổ chức nổi loạn. Không lâu sau đó, tất cả các đảng phái chính trị đối lập với chính quyền Bolshevik, bao gồm Đảng Xã hội chủ nghĩa cách mạng, Đảng Menshevik, và đảng Dân chủ Lập hiến, đều đã bị cấm hoạt động.

Ủng hộ và phản đối

Lenin năm 1919

Dù Lenin ủng hộ việc thành lập một chế độ "Dân chủ Xô viết" nhưng những người chỉ trích ông như KautskyKollontai cho rằng ông phản bội sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và thủ tiêu nền dân chủ (quyền kiểm soát của công nhân thông qua các Xô Viết hay các hội đồng công nhân). Có người cho rằng đây là hành động mở đường cho chủ nghĩa Stalin sau này. Nhiều cơ quan và chính sách do Stalin lập ra và sử dụng như cảnh sát mật, trại lao động, và việc xử bắn kẻ thù cũng đã được sử dụng dưới tới cầm quyền của Lenin, nhưng cần lưu ý là các kỹ thuật đó cũng thường được chế độ Nga hoàng sử dụng từ lâu trước thời Lenin, và cũng từ lâu đã là cách thức truyền thống để đối phó với bất đồng chính trị ở nước Nga. Tuy nhiên, theo Stephane Courtois mức độ sử dụng có khác nhau; số tù nhân chính trị bị xử bắn trong mấy năm đầu cầm quyền của phái Bolshevik lớn gấp ba lần con số đó trong 90 năm cầm quyền của chế độ Nga hoàng.[31] Tuy nhiên, quan điểm của Stephane Courtois hiện vẫn đang bị tranh cãi. Cũng cần nhớ rằng hoàn cảnh dẫn tới những phản ứng quyết liệt của người Bolshevik cũng khác rất xa: họ phải cố gắng ổn định một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi một cuộc chiến tranh thế giới, một quần chúng thất học sau giai đoạn quân chủ chuyên chế, một lực lượng đối lập sẵn sàng lật đổ chính quyền Bolshevik.

Quan điểm của những người theo chủ nghĩa Lenin về cách mạng đòi hỏi một bộ máy cán bộ cách mạng chuyên nghiệp vừa có nhiệm vụ chỉ huy đại chúng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và tập trung hóa kinh tế cũng như quyền lực hành chính vào tay một nhà nước của công nhân. Từ mùa xuân năm 1918, Lenin đã vận động đặt những cá nhân có trách nhiệm vào cương vị đứng đầu mỗi nhà máy, trái ngược lại hầu hết các quan điểm về sự tự quản của công nhân, nhưng hoàn toàn cần thiết cho hiệu quả sản xuất và về mặt chuyên môn. Như S.A. Smith đã viết: "Tới cuối cuộc nội chiến, không có nhiều nhà máy hoạt động theo những hình thức dân chủ trong quản lý công nghiệp như kiểu các hội đồng nhà máy từng được cổ động trong năm 1917, nhưng chính phủ cho rằng điều này không phải là vấn đề bởi vì nền công nghiệp đã dựa trên sự sở hữu của một quốc gia công nhân." Trong cuộc nội chiến quyền lực được tập trung bên trong đảng Bolshevik và sau này là Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Liên Xô.

Để bảo vệ chính phủ Bolshevik mới thành lập trước những kẻ phản cách mạng, chính quyền của Lenin đã tạo ra lực lượng cảnh sát mật, Cheka, ngay sau cuộc cách mạng. Những người Bolshevik đã lập kế hoạch tổ chức một phiên tòa xét xử Hoàng đế Nikolai II vì những tội ác chống lại nhân dân Nga, nhưng vào tháng 8 năm 1918, khi quân Bạch vệ tiến về Yekaterinburg (nơi gia đình Nikolai II đang bị cầm giữ), một cán bộ là Sverdlov đã nhanh chóng ra quyết định xử bắn Nikolai II và cả gia đình để quân Bạch vệ không thể giải thoát cho họ. Lenin không biết gì về mệnh lệnh này, và sau này Sverdlov mới thông báo với Lenin về vụ xử bắn. Khi biết chuyện, Lenin tỏ ra nuối tiếc và không tán thành với việc những người Bolshevik địa phương xử bắn Nikolai II, vì ông cho rằng sau khi chế độ quân chủ không còn nữa, Nga hoàng nên được đưa ra tòa án để xét xử công bằng như những công dân khác của nước Nga Xô viết. Cháu gái Lenin - Olga Ulianova cũng nói: "Bác Volodya làm cách mạng Bolshevik không phải để giết vua Nga. Lenin chỉ muốn thay thế hệ thống tư bản chủ nghĩa ở nước Nga bằng chế độ xã hội chủ nghĩa".

Vụ ám sát Lenin và phản ứng của chính phủ

Tranh vẽ vụ ám sát Lenin

Ngày 30 tháng 8 năm 1918, Fanya Kaplan, một thành viên của Đảng Xã hội Cách mạng Nga, tiếp cận Vladimir Ilyich Lenin sau khi ông tham dự một buổi mít-tinh và đang quay ra xe hơi. Kaplan gọi tên Lenin, ông quay lại trả lời. Bà ngay lập tức bắn ba phát, hai phát trúng Lenin ở khuỷu tay và lưng. Lenin được đưa về căn hộ tại Kremli, ông từ chối tới bệnh viện bởi ông tin rằng những kẻ ám sát khác đang rình rập ở đó. Các bác sĩ được triệu tới, nhưng cho rằng sẽ là quá nguy hiểm nếu lấy viên đạn ra. Sau này Lenin đã hồi phục dù sức khỏe của ông bắt đầu giảm sút từ thời điểm đó. Mọi người cho rằng vụ ám sát có liên quan tới những cơn đột quỵ sau này của ông.

Việc lãnh tụ đứng đầu bị ám sát đã tạo ra sự lo ngại và phản ứng mạnh từ Chính phủ Bolshevik, họ tiến hành trấn áp mạnh tay những kẻ chống đối Chính phủ cách mạng. Hàng nghìn người bị kết án là kẻ thù của cách mạng, nhiều người bị xử bắn hay bị đưa vào các trại giam vì có âm mưu tổ chức bạo loạn lật đổ chính phủ Bolshevik.[32] Theo Orlando Figes, Lenin luôn ủng hộ "sự trấn áp của số đông chống lại những kẻ thù cách mạng" và luôn bày tỏ quan điểm rằng nhà nước vô sản cần phải có một hệ thống vũ trang được tổ chức để chống lại sự tấn công của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên theo Figes, trong khi được những người Bolsheviks khuyến khích, sự trấn áp có gốc rễ là do sự giận dữ của nhân dân chống lại tầng lớp giàu có trong xã hội cũ (A Peoples Tragedy, trang 524-525). Vào cuối năm 1918 khi Kamenev và Bukharin tìm cách kìm chế những "sự thái quá" của Cheka, chính Lenin là người đã đứng ra bảo vệ tổ chức này. (Figes, trang 649) Tuy nhiên, mức độ của cái gọi là "những sự thái quá," cũng như những lý do của Lenin ẩn giấu sau sự bảo vệ đó không hề được nêu tên.

Nội chiến

Tháng 3 năm 1919, Lenin và các lãnh đạo Bolshevik khác gặp gỡ với các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa từ khắp nơi trên thế giới và lập ra Quốc tế Cộng sản. Các thành viên của Quốc tế Cộng sản, gồm Lenin và cả những người Bolshevik ngừng quan hệ với phong trào xã hội chủ nghĩa ở tầm vóc rộng lớn hơn. Từ đó trở về sau, họ sẽ được gọi là những người cộng sản. Tại Nga, Đảng Bolshevik được đổi tên thành "Đảng Cộng sản Nga (bolshevik)", (sau này thành Đảng Cộng sản Liên Xô).

Trong lúc ấy, cuộc nội chiến lan tràn khắp nước Nga. Nhiều phong trào chính trị và những người ủng hộ họ cầm vũ khí nhằm lật đổ chính phủ Xô viết. Dù có nhiều phe cánh tham gia cuộc nội chiến, hai lực lượng chính là Hồng quân (Bolshevik) và Bạch vệ (phe chống Bolshevik). Các cường quốc bên ngoài (chủ yếu là Pháp, Anh, Hoa KỳNhật Bản) cũng can thiệp vào cuộc chiến tranh này (viện trợ vũ khí và cử quân tham chiến cùng Bạch vệ). Cuối cùng, đội quân được tổ chức tốt và có hiệu quả hơn là Hồng quân, do Trotsky chỉ huy, đã giành chiến thắng, đánh bại các lực lượng Bạch vệ và đồng minh của họ năm 1920. Tuy nhiên, những cuộc chiến ở tầm nhỏ hơn vẫn tiếp tục trong vài năm nữa.

Những tháng cuối năm 1919, các chiến thắng giành được trước Bạch vệ khiến Lenin tin rằng đã tới thời điểm mở rộng cách mạng sang phía tây, bằng vũ lực nếu cần thiết. Khi nền Cộng hòa Ba Lan thứ hai mới được thành lập, Ba Lan bắt đầu muốn chiếm lấy những vùng lãnh thổ tại Belarus và Ucraina, họ đã đem quân tấn công các lực lượng Bolshevik để giành quyền kiểm soát các vùng này, dẫn tới sự bùng nổ Chiến tranh Ba Lan-Xô viết năm 1919. Với sự phát triển của cách mạng tại ĐứcLiên đoàn Spartacus, Lenin coi đó là thời điểm và địa điểm chín muồi nhất để "thăm dò châu Âu bằng những lưỡi lê Hồng quân." Lenin coi Ba Lan là cây cầu nối mà Hồng quân có thể dùng để kết nối cách mạng Nga với những người ủng hộ Cách mạng Đức, và hỗ trợ các phong trào cộng sản ở Tây Âu. Tuy nhiên sự thất bại của nước Nga Xô viết trong cuộc chiến tranh Ba Lan-Xô viết khiến các kế hoạch đó bị hủy bỏ.

Lenin là người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc. Năm 1917, ông tuyên bố quyền tự quyết của các dân tộc. Tuy nhiên, khi cuộc Nội chiến Nga chấm dứt, ông đã dùng các lực lượng quân sự để đồng hóa các quốc gia mới giành độc lập là Armenia, GruziaAzerbaijan, cho rằng sự sáp nhập các quốc gia đó vào đất nước Xô viết sẽ che chở họ khỏi những tham vọng của chủ nghĩa đế quốc.[33] Điều này cho phép các quốc gia đó được chấp nhận trở thành một nước cộng hòa tự trị thuộc thành phần của Liên bang Xô viết hơn là đơn giản buộc họ trở thành một phần lãnh thổ Nga, bởi hành động này sẽ bị coi là hành động đế quốc.

Xây dựng nước Nga Xô viết

Năm 1918, Lenin đã nhận lấy một đất nước bao la, gần như kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, với một nền công nghiệp suy thoái và tình trạng vô chính phủ, chiến tranh hỗn loạn lan tràn khắp nơi, 14 nước ngoại quốc cũng tranh thủ đem quân đánh chiếm nhiều nơi tại Nga nhằm bóp chết nhà nước Xô viết non trẻ.

Lenin và binh sĩ Hồng quân.

Trong bối cảnh đó, chỉ trong vòng 5 năm lãnh đạo, ông đã thi hành tới 4 chính sách quốc gia lớn và đều thành công: "chính sách cộng sản thời chiến" và "xây dựng Hồng quân Xô viết" đã giúp đánh bại quân Bạch Vệ và can thiệp ngoại quốc, "chính sách kinh tế mới" và "kế hoạch điện khí hoá toàn Nga" đã đặt nền tảng cho một nước Nga hiện đại.

Sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, chính sách cộng sản thời chiến của Bolshevik, cộng với Nạn đói năm 1921 tại Nga và sự bao vây từ các chính phủ phương Tây thù địch làm đa phần đất nước bị tàn phá. Đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân, vụ lớn nhất là cuộc Nổi dậy Tambov. Sau một cuộc khởi nghĩa của những thủy thủ tại Kronstadt vào tháng 3 năm 1921, Lenin đã thay thế chính sách Cộng sản thời chiến bằng Chính sách kinh tế mới (NEP) trong một nỗ lực thắng lợi nhằm tái xây dựng công nghiệp và đặc biệt là nông nghiệp.

Sự thay đổi to lớn nhất liên quan tới vấn đề thặng dư nông nghiệp. Thay vì trưng thu thặng dư nông nghiệp để nuôi dân thành phố (phần cốt yếu của chính sách "cộng sản thời chiến"), NEP cho phép nông dân bán sản lượng thặng dư của họ ra thị trường tự do. Tuy nhiên, nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu những lĩnh vực mà Lenin cho là "chỉ đạo tối cao" nền kinh tế: công nghiệp nặng như các lĩnh vực than, thépluyện kim cùng với các thành phần ngân hàngtài chính của nền kinh tế. Sự "chỉ đạo tối cao" đã sử dụng phần lớn công nhân trong các vùng đô thị. Theo chính sách NEP, các ngành công nghiệp nhà nước đó sẽ hoàn toàn tự do đưa ra các quyết định kinh tế của mình.

Việc xóa bỏ các lãnh địa phong kiến tại các vùng nông thôn ở thời Sa Hoàng trước đây cho phép nông dân có được sự khích lệ lớn nhất từ trước tới nay để tăng cao sản xuất. Khi đã có thể bán thặng dư của họ ra thị trường tự do, sự chi tiêu của nông dân tạo ra một sự bùng nổ trong các lĩnh vực sản xuất tại các vùng đô thị.

Tác dụng của NEP đã được thực tiễn xác nhận. Nước Nga Xô-viết chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ trong vòng 2 năm, kinh tế Nga khôi phục nhanh chóng. Từ năm 1922, thành thị đã có đủ lương thực - thực phẩm, năm 1925 sản xuất nông nghiệp đạt 87%; công nghiệp đạt 75% sản lượng của năm 1913 (năm cao nhất của Đế quốc Nga). Đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, chính trị ổn định. Kết quả của NEP và sự xoá bỏ lãnh địa trong thời gian Đảng Bolshevik lãnh đạo từ 1917-1921 là Liên bang Xô viết trở thành nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới.

Lenin đề ra chính sách đưa điện khí hóa đến các vùng khó khăn cho công nhân và nông dân, cải cách nền giáo dục, xóa nạn mù chữ, xóa bỏ một số loại thuế đối với người lao động. Chính sách này được tiếp tục bởi những người kế nhiệm ông. Ông cũng đưa ra ý tưởng sử dụng chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước để "chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội"[34] mà sau này đã được Stalin hiện thực hóa. Chỉ trong 20 năm, nước Nga từ một xã hội phong kiến lạc hậu đã chuyển mình thành một xã hội hiện đại, nạn mù chữ được thanh toán, người dân được phổ cập giáo dục và y tế miễn phí.

Lenin chủ trương sử dụng những chuyên gia, trí thức dưới chế độ Sa hoàng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng đồng thời ông cũng lên án "giới trí thức tư sản", ông cho rằng chỉ có giới tri thức của công nông mới là sức mạnh thực sự của đất nước[35]. Ngày 8/6/1922, Bộ Chính trị Đảng Bolshevik thông qua đề xuất thực hiện các biện pháp đối với "những nhóm chống Xô viết trong giới trí thức", cho phép trục xuất các trí thức có các hoạt động tiềm năng trở thành kẻ thù của chính quyền mới. Năm 1922, Lenin ra lệnh trục xuất 70 nhà khoa học và trí thức Nga. Tổng cộng 220 nhà báo, họa sĩ, nhà toán học, triết gia bị trục xuất cùng với gia đình khỏi nước Nga với tội danh là tin rằng cải cách tôn giáo và đạo đức quan trọng hơn cách mạng xã hội và không ngừng "thể hiện thái độ chống đối chính quyền Xô viết". Đích thân Lenin chọn lựa những ai bị trục xuất khỏi Nga, và ra nghị định rằng những ai bị trục xuất mà quay về Nga thì sẽ chịu hình phạt cao nhất, thay thế họ là những trí thức mới được xem là đáng tin cậy hơn. Sau nội chiến Lenin tuyên bố "thuật ngữ "phi chính trị" hay "giáo dục phi chính trị" là thứ đạo đức giả tư sản, chỉ là sự lừa mị đám đông... Chúng ta công khai tuyên bố, bất chấp những lời dối trá cũ, rằng giáo dục phải gắn bó với chính trị". Các hội nhóm cũ bị giải tán, những người lao động trí óc phải gia nhập những tổ chức do nhà nước thành lập. Tháng 8/1922, hội nghị Đảng có báo cáo về "các đảng phái và xu hướng chống chế độ", sau đó một loạt các nhà báo, biên tập viên bị trục xuất khỏi Nga và các hội của họ hoặc bị đóng cửa hoặc bị theo dõi.[36]

Trong thư gửi Maksim Gorky, Lenin giải thích về quyết định bắt giam hoặc trục xuất một số trí thức của mình: "Không. Chẳng có gì là tội lỗi khi cho những “tài năng” như thế ngồi tù vài tuần, nếu đó là việc phải làm để tránh các âm mưu và cái chết của hàng chục ngàn người. Chính chúng tôi đã lật tẩy các âm mưu này của bọn Cadets và thân Cadets. Và chúng tôi biết bọn giáo sư thân Cadets luôn luôn giúp đỡ bọn âm mưu phản loạn. Đó là sự thật. Các lực lượng trí thức của công nhân và nông dân đang vươn lên, ngày càng mạnh hơn trong cuộc chiến đấu lật đổ bọn tư sản, những kẻ đồng phạm của chúng - tức là lũ trí thức đầy tớ cho tư bản - những kẻ cứ nghĩ chúng là bộ não của dân tộc. Nhưng trên thực tế, chúng không phải là não, mà là cục phân của dân tộc. Đối với các lực lượng trí tuệ mong muốn đem khoa học cho nhân dân, chứ không phải làm tôi tớ cho tư bản, chúng tôi trả tiền lương cho họ trên mức bình quân, đó là sự thật. Chúng tôi giữ gìn họ, đó là sự thật. Chúng ta có hàng chục ngàn sĩ quan phục vụ Hồng quân và chiến thắng cho dù có hàng trăm tên phản bội. Đó là sự thật... Ông (Gorky) nghe thấy và nghe theo tiếng kêu la của vài trăm trí thức nhân vụ bắt bớ “khủng khiếp” trong vài tuần lễ, còn tiếng nói của quần chúng, của hàng triệu công nông, đang bị bọn Denikin, Kolchak, Liazonov, Rodzianko, bọn Krasnaya Gorka (và những kẻ âm mưu phản loạn khác) đe doạ – tiếng nói đó thì ông không thấy và nghe theo"[37].

Dù thời gian lãnh đạo của Lenin chỉ có 6 năm (ông mất năm 1924), nhưng Lenin đã kịp phục hồi nền kinh tế, làm nền tảng cho việc Liên Xô vươn lên trở thành siêu cường trong 20 năm sau đó.

Đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái

V. I. Lenin, khi biết nhiều đơn vị Hồng quân gây ra các cuộc tấn công người Do Thái ở Ucraina từ đầu năm 1918 đến giữa năm 1919[38], ông đã quan tâm tới vấn đề chống Chủ nghĩa bài Do Thái, khi ấy vẫn đang tồn tại phổ biến ở nước Nga như một di sản từ thời Nga hoàng. Lenin phản đối mọi hình thức bạo lực hoặc khiêu kích hận thù chống lại người Do Thái, vì ông cho rằng nó sẽ kích động các hình thức hận thù giữa các dân tộc trong lãnh thổ Nga. Mặc dù Lenin không hề biết ông ngoại của ông là người Do Thái cho đến khi qua đời, chị của ông Anna Ulyanova đã tiết lộ câu chuyện cuối năm 1924.[39] Trong một bài phát biểu trên radio năm 1919, ông nói:

Cảnh sát của chế độ Nga hoàng, cùng với những tên địa chủ và bọn tư bản, đã tổ chức các cuộc tấn công người Do Thái. Cái lũ địa chủ và tư bản đã tìm cách hướng sự căm thù của công nhân và người nông dân, những tầng lớp nghèo khổ, về phía người Do Thái.... Chỉ những người dốt nát nhất và những người bị áp bức mới có thể tin vào những lời nói dối và những câu báng bổ do chúng tuyên truyền về người Do Thái.... Người Do Thái không phải là kẻ thù của nhân dân lao động. Những kẻ thù của công nhân là bọn tư bản trên thế giới. Trong số những người Do Thái có những người dân lao động, và họ là đa số. Họ là những người anh em của chúng ta, giống như chúng ta, họ cũng bị bọn tư bản bóc lột; họ là những đồng chí của chúng ta trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội.... Thật đáng hổ thẹn cho hành động hành hạ người Do Thái của chế độ Nga hoàng. Thật đáng hổ thẹn cho những kẻ gây lòng hận thù với người Do Thái, những kẻ gây sự chia rẽ giữa các quốc gia.
— Vladimir Ilyich Lenin[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vladimir_Ilyich_Lenin http://www.abc.net.au/news/2012-10-10/an-lenin-sta... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/335881/V... http://users.erols.com/mwhite28/warstat1.htm#Russi... http://findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&GRid=... http://www.findarticles.com/p/articles/mi_m0365/is... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9C0... http://www.nytimes.com/2004/06/22/science/a-retros... http://rt.com/politics/lenin-monuments-removed-squ... http://www.time.com/time/magazine/0,9263,760198041... http://www.torontosun.com/2012/05/04/stress-not-sy...